Đây là phương pháp được áp dụng khi bệnh nhân vào giai đoạn nặng không cải thiện được các triệu chứng lâm sàng sau khi đã được điều trị nội khoa bằng thuốc và mang vớ y khoa suy giãn tĩnh mạch.
Phương pháp điều trị can thiệp ngoại khoa dùng sóng cao tần Radio Frequency Ablation ( RFA): là dòng điện từ máy được truyền qua một điện cực dạng hình kim ( sợi cáp) được đưa đến mô ( vị trí cần xơ hóa của hệ thống tĩnh mạch hiển) sẽ phát ra tần số sóng âm ( 200 - 1200 MHz) trong lòng tĩnh mạch, sóng âm sẽ làm cho các ion trong mô chuyển động tạo ma sát sinh nhiệt làm mất nước trong tế bào dẫn đến làm khô xơ hóa vùng mô bị tác động, bằng cách này sẽ cắt đứt các dòng trào ngược từ tĩnh mạch sâu ra tĩnh mạch nông.
- Thiết bị máy gồm: bộ phận phát sóng cao tần, bộ dây dẫn, kim chọc dò kết hợp Lidocain gây tê và NaCl 9% dùng cho quá trình can thiệp.
Gồm 6 bước:
+ Lập bản đồ tĩnh mạch: Thực hiện siêu âm Doppler để lập bản đồ đường đi tĩnh mạch cần điều trị ( xác định tĩnh mạch hiển lớn), vị trí chọc kim vào mạch - vị trí điểm kết thúc trong mạch, đánh dấu các vị trí giãn to cần lưu ý.
+ Mở đường vào lòng mạch: sát trùng da, sử dụng kim 21-25G mở đường vào lòng mạch kết hợp đặt ống vào lòng mạch có đường kính 4-5F.
+ Chụp tĩnh mạch: Chụp DSA toàn bộ hệ thống tĩnh mạch hiển lớn bằng thuốc cản quang iod, để xác định đường đi, biến thể giải phẫu của hệ thống tĩnh mạch hiển cũng như vị trí đổ vào tĩnh mạch đùi. Thông qua siêu âm và chụp DSA, thực hiện luồn đầu dây phát nhiệt (sợi cáp) đến cách vị trí đổ của tĩnh mạch hiển lớn vào tĩnh mạch đùi khoảng 1cm thì dừng lại.
+ Giảm đau quanh tĩnh mạch: bơm vào tổ chức phần mềm xung quanh tĩnh mạch hiển lớn dưới hướng dẫn của siêu âm khoảng 20 - 50ml dung dịch Lidocain pha loãng 0.1% với nước muối sinh lý
Ngoài ra, có thể phối hợp pha thêm epinephrine với liều lượng thích hợp để tăng cường tác dụng co thắt mạch. Đốt nhiệt
+ Đốt nhiệt tĩnh mạch hiển lớn: diễn ra từ hạ lưu về thượng lưu (gốc chi về ngọn chi). Tốc độ di chuyển của đầu dây đốt nhiệt tùy thuộc vào các thông số và mức độ xơ hóa tĩnh mạch chân.
+ Kết thúc thủ thuật: kiểm tra lại toàn bộ đoạn tĩnh mạch đã xơ hóa bằng siêu âm, rút sợi cáp tạo sóng và ống đặt trong lòng mạch, tiến hành băng ép đóng đường vào lòng mạch.
Đánh giá sau quá trình can thiệp ngoại khoa: Tĩnh mạch hiển lớn sẽ bị xơ hóa, xẹp hoàn toàn từ vị trí mở đường vào lòng mạch đến quai tĩnh mạch hiển khi kết thúc quá trình xơ hóa bằng sóng. Sẽ xơ hóa hoàn toàn sau 4 - 7 ngày, không bị xơ hóa và huyết khối đối với tĩnh mạch đùi.
- Ưu điểm và nhược điểm của phương pháp:
- Ưu điểm:
+ Tỷ lệ thành công cao, giảm ngay các triệu chứng khó chịu của bệnh;
+ Tính tẩm mỹ cao, không để lại sẹo, xuất viện sớm sau 1 ngày và trở lại sinh hoạt bình thường ngay.
- Nhược điểm:
+ Chi phí cao, có thể tái phát ở vùng tĩnh mạch khác do đây không phải là phương pháp loại bỏ được nguyên nhân gây bệnh, chỉ là cách xử trí loại bỏ vùng đang bị suy giãn tĩnh mạch đang có.
+ Một tỷ lệ thấp nguy cơ các biến chứng có thể xảy ra:
+ Gây huyết khối tĩnh mạch sâu do xử lý quá gần tĩnh mạch đùi, sẽ phải thực hiện tiêu huyết tại chỗ hay toàn thân.
+ Chảy máu hoặc tụ máu tại vị trí chọc mạch, tổn thương hệ thần kinh vùng lân cận, có thể bị sưng đau dọc vị trí đường đi của tĩnh mạch bị tác động, viêm tắc tĩnh mạch.
+ Có nguy cơ gây bỏng da do nhiệt sinh ra cao gây hoại tử da, cần được điều trị nội khoa chăm sóc tại chỗ.
Chống chỉ định đối với các trường hợp sau đây:
+ Dị ứng thuốc cản quang iod;
+ Bệnh nhân suy thận nặng (độ IV);
+ Huyết khối cấp tính tĩnh mạch sâu;
+ Rối loạn đông máu nặng (chỉ số prothrombin <60%, INR > 1.5, số lượng tiểu cầu < 50 G/l);
+ Thể trạng suy kiệt;
+ Phụ nữ mang thai.